Từ đó, thị trường các-bon toàn cầu, nơi các công ty hoặc quốc gia phát thải nhiều hơn mức quy định có thể mua tín chỉ từ các tổ chức, dự án hoặc quốc gia có lượng phát thải thấp hơn hoặc hấp thụ các-bon như một trong các cách thức để đạt được các mục tiêu giảm phát thải.
Tín chỉ các-bon ra đời cũng nhằm khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức giảm lượng phát thải khí nhà kính bằng cách đầu tư vào các công nghệ và dự án xanh. Điều này giúp giảm bớt tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Việc trao đổi và mua bán tín chỉ các-bon còn tạo ra một thị trường mới, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp xanh như năng lượng tái tạo, trồng rừng, và các dự án tiết kiệm năng lượng. Điều này không chỉ giúp giảm phát thải mà còn tạo ra cơ hội kinh tế mới.
Mỗi tín chỉ các-bon tương đương với một tấn phát thải CO2 hoặc khí thải nhà kính khác (CH4, NO2) quy đổi.
Vẻ đẹp hoang sơ tại Vườn Quốc Gia Bù Gia Mập tỉnh Bình Phước
Ngày 07/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, trong đó có nêu rõ: “Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng; giao đất, cho thuê đất để trồng rừng; tự phục hồi, phát triển rừng; nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng theo quy định của pháp luật, có trách nhiệm xây dựng và thực hiện các biện pháp quản lý rừng bền vững, bảo vệ và nâng cao tỷ lệ che phủ, sinh khối và chất lượng rừng để tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính. Các đối tượng nêu trên được tham gia các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”
Về thỏa thuận chuyển nhượng tín chỉ các-bon rừng ở Việt Nam, đến nay, chưa có thị trường bắt buộc với tín chỉ các-bon. Do đó, việc chuyển giao kết quả giảm phát thải được thực hiện thông qua các thỏa thuận đàm phán song phương giữa các bên liên quan theo thị trường tự nguyện.
Trong năm 2023, lần đầu tiên tại Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ các-bon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỉ đồng). Đây là thỏa thuận chi trả phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ được ký ngày 22/10/2020 giữa Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Số tiền này sẽ được chi trả cho các chủ rừng, các tổ chức,... được giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên thuộc sáu tỉnh Bắc Trung Bộ gồm Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị. Ngoài ra, một phần tiền chi cho các nhóm khác có hoạt động liên quan đến phát triển và giảm mất rừng, suy thoái rừng, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng.
Cũng theoo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, Việt Nam sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon kể từ năm 2025, và đến năm 2028 sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon chính thức.
Trên cơ sở đó, thuật ngữ tín chỉ các-bon rừng được ra đời. Tín chỉ các-bon rừng được tạo ra từ các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính như giảm mất rừng và suy thoái rừng; hay tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính thông qua việc tăng cường hoạt động trồng rừng, tái trồng rừng, tái tạo thảm thực vật và hoạt động tăng cường quản lý rừng. Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ các-bon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường các-bon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính.